Đảm bảo an toàn cho bản thân
Trong một số trường hợp, Cơ quan khí tượng Nhật Bản sẽ đưa ra “cảnh báo sớm động đất” trước khi rung chấn mạnh xảy ra. Tuy nhiên, thời gian từ khi có cảnh báo đến khi có rung chấn mạnh là rất ngắn. Hơn nữa, cơ quan thường không thể đưa ra cảnh báo kịp thời. Do đó, ưu tiên hàng đầu là cần đảm bảo an toàn cho bản thân.
Nếu đang ở bên trong các tòa nhà, mọi người cần bảo vệ đầu và di chuyển đến nơi an toàn, chẳng hạn như dưới gầm bàn. Đừng vội vàng chạy ra ngoài, cũng đừng cố tắt lửa từ bếp ga hay các thiết bị khác. Nếu có đông người bên trong tòa nhà thì tất cả mọi người không nên chạy ra ngoài cùng lúc. Đừng đứng dưới đèn trần hay các thiết bị khác treo trên trần nhà. Nếu đang đi thang máy, hãy dừng lại và ra khỏi thang máy ở tầng gần nhất.
Khi đang ở bên ngoài, mọi người cần tránh xa các tòa nhà nếu thấy tường đổ, biển hiệu hay các mảnh kính vỡ rơi từ trên cao xuống. Nhanh chóng di chuyển vào bên trong các tòa nhà có vẻ kiên cố. Đồng thời, mọi người cần chú ý khi đứng gần các bức tường bê tông hay các máy bán hàng tự động dễ bị đổ. Các bạn cũng nên tránh xa các ngọn núi hay sườn dốc có nguy cơ đá rơi và sạt lở đất.
Nếu đang lái xe, đừng đột ngột giảm tốc độ. Trước hết cần bật đèn báo rồi mới giảm dần tốc độ. Nên để nguyên chìa khóa lại trong xe khi rời khỏi xe.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/4/2022).
Chấn độ 0-4 và mức độ ảnh hưởng
Cục Khí tượng Nhật Bản sử dụng thang đo shindo (tiếng Nhật nghĩa là chấn độ) khi đưa ra cảnh báo sớm về động đất. Chấn độ được đo bằng các máy đo rung chấn trên khắp cả nước.
Thang đo có 10 cấp: 0, 1, 2, 3, 4, 5 trừ, 5 cộng, 6 trừ, 6 cộng và 7.
Cơ quan khí tượng phân cấp chấn độ dựa trên khả năng mức độ ảnh hưởng.
Chấn độ 0: Người bình thường không cảm thấy rung lắc, nhưng máy đo rung chấn ghi lại được.
Chấn độ 1: Có người đang ở trong nhà yên tĩnh thì cảm thấy có rung lắc.
Chấn độ 2: Hơn một nửa số người đang ở trong nhà yên tĩnh thì cảm thấy có rung lắc. Có người đang ngủ thì tỉnh giấc. Những đồ vật treo trong nhà như đèn hơi rung nhẹ.
Chấn độ 3: Hầu hết người đang ở trong nhà đều cảm thấy có rung lắc. Một số người đi bộ cảm thấy có rung lắc. Hơn một nửa số người đang ngủ thì tỉnh giấc. Trong nhà, bát đĩa trong tủ có thể phát tiếng kêu. Ngoài trời, dây điện rung nhẹ.
Chấn độ 4: Hầu hết mọi người đều giật mình. Hầu hết người đi bộ đều cảm nhận được rung lắc. Hầu hết người đang ngủ đều tỉnh giấc. Các đồ vật treo như đèn rung lắc mạnh, bát đĩa trong tủ rung lên. Đồ vật treo không chắc chắn có thể rơi. Ngoài trời, dây điện rung mạnh. Người đang lái xe có thể cảm nhận được rung lắc.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 5/4/2022).
Chấn độ 5 và mức độ ảnh hưởng
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản phân chia thang chấn độ dựa trên mức độ có thể ảnh hưởng.
Chấn độ 5 trừ: Nhiều người sẽ hoảng loạn và muốn bám vào thứ gì đó vững chắc. Các đồ vật treo trong nhà như đèn bị lắc mạnh. Đĩa trên giá và đồ vật trên giá sách có thể bị rơi. Nhiều đồ vật treo không chắc chắn cũng có thể rơi. Đồ nội thất không được cố định sẽ bị xê dịch, còn đồ nội thất không chắc chắn có thể bị đổ. Trong một số trường hợp, kính cửa sổ có thể bị vỡ và rơi. Cột điện rung lắc có thể nhận biết bằng mắt thường. Đường phố có thể bị hư hại.
Chấn độ 5 cộng: Nhiều người cảm thấy khó di chuyển, việc đi lại trở nên khó khăn nếu như không bám chắc. Đĩa trên giá và đồ vật trên giá sách có nhiều khả năng bị đổ hơn. TV có thể bị rơi khỏi kệ, và các đồ nội thất không được cố định sẽ bị đổ.
Kính cửa sổ có thể bị vỡ và rơi, các tường gạch bê tông không được gia cố có thể bị sập, còn các máy bán hàng tự động không được lắp đặt chắc chắn có thể bị đổ. Các tài xế có thể gặp khó khăn trong việc tiếp tục lái xe nên rất nhiều phương tiện có thể dừng lại trên đường.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 6/4/2022).
Chấn độ 6-7 và mức độ ảnh hưởng
Chấn độ 6 trừ: Rất khó đứng vững. Trong nhà, nhiều đồ đạc không được cố định bị xê dịch và có thể đổ xuống. Cửa ra vào có thể không mở ra được. Bên ngoài, gạch ốp tường và kính cửa sổ có thể bị hư hại và rơi xuống.
Chấn độ 6 cộng: Khó đứng vững. Phải bò mới di chuyển được. Người có thể bị nảy lên. Trong nhà, nhiều đồ đạc không cố định đều bị xê dịch, nhiều thứ bị đổ hơn. Bên ngoài, gạch ốp tường và kính cửa sổ bị hư hại và rơi xuống nhiều hơn. Hầu hết tường bê tông không gia cố đều sụp đổ.
Chấn độ 7 (mức cao nhất): Trong nhà, hầu hết đồ đạc không được cố định đều bị xê dịch và đổ, hoặc thậm chí có thể bị nảy tung lên. Bên ngoài, gạch ốp tường và kính cửa sổ bị hư hại và rơi nhiều hơn. Tường bê tông kể cả loại được gia cố cũng có thể sụp đổ.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 7/4/2022).
Rung chấn trên mặt đất kéo dài
Một trận động đất mạnh có thể kéo theo rung chấn trên mặt đất kéo dài, khiến các tòa nhà cao tầng rung nhẹ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến những tòa nhà cách tâm chấn hàng trăm kilômét. Trận động đất càng lớn và tâm chấn càng nông thì khả năng xuất hiện rung chấn trên mặt đất kéo dài càng cao. Ngay cả khi cảm giác chấn độ trên mặt đất không lớn, nhưng rung chấn trên mặt đất kéo dài có thể làm tầng cao của tòa nhà cao tầng rung lắc mạnh.
Trong trận động đất lớn hồi tháng 3/2011 tại Đông Bắc Nhật Bản, các tòa nhà cao tầng không chỉ ở Tokyo mà cả tại Osaka cách tâm chấn khoảng 700km cũng chịu thiệt hại do rung chấn trên mặt đất kéo dài. Khi đó, chấn độ đo được trên mặt đất tại Osaka là 3.
Khi xảy ra rung chấn trên mặt đất kéo dài, đồ đạc và máy photocopy có bánh xe sẽ bị xê dịch rất nhiều.
Đồ đạc không được cố định sẽ bị xê dịch hoặc đổ xuống. Để bảo vệ bản thân, bạn hãy trú ẩn ở những nơi có ít đồ đạc và vật dụng cho đến khi rung chấn kết thúc.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 8/4/2022).
Tác động đến dịch vụ thiết yếu và cơ sở hạ tầng
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo một trận động đất mạnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở những mặt sau.
Gas: Thiết bị an toàn trên đồng hồ gas có thể được kích hoạt khiến ngừng cung cấp gas. Trong trường hợp rung lắc mạnh hơn, để đảm bảo an toàn, dịch vụ cấp gas cho cả khu phố cũng có thể bị cắt.
Điện và nước: Có thể bị mất điện và cắt nước.
Dịch vụ tàu điện và đường cao tốc: Tàu điện có thể ngừng chạy và đường cao tốc có thể đóng cửa để xác nhận an toàn. Các công ty vận hành có thể hạn chế tốc độ và áp dụng những hạn chế khác tùy theo đánh giá của mình.
Điện thoại và các phương tiện thông tin liên lạc khác: Tại những khu vực có rung chấn mạnh và xung quanh đó, đường truyền điện thoại và Internet có thể bị nghẽn khi nhiều người cố gắng xác nhận xem gia đình và bạn bè có an toàn hay không, cũng như tìm kiếm thông tin về thảm họa. Để tránh xảy ra điều này, các nhà mạng cung cấp dịch vụ nhận và chuyển tin nhắn và bảng chuyển lời nhắn khi có thiên tai.
Thang máy: Vì lý do an toàn, thang máy có trang bị thiết bị kiểm soát động đất sẽ tự động ngừng hoạt động. Để thang máy hoạt động trở lại, cần phải xác nhận được an toàn và việc này sẽ mất thời gian.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 11/4/2022).
Cần làm gì sau khi động đất mạnh xảy ra
Các tòa nhà có sức chịu động đất kém có thể bị sụp đổ. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy đi lánh nạn tại các trung tâm sơ tán.
Lở bùn có thể xảy ra ở các mỏm đất đá hoặc khu vực sườn dốc. Nếu bạn cảm thấy lo ngại, hãy lánh nạn tới những trung tâm sơ tán. Nếu không thể tới những nơi đó, hãy lên tầng 2 hoặc cao hơn hoặc chuyển tới những căn phòng xa mỏm đất đá hoặc sườn dốc.
Hiện tượng đất hóa lỏng có thể xảy ra tại các khu vực đất bồi lấp hoặc các khu vực gần bờ sông gây ra hiện tượng mặt đất bị lún hoặc nứt nẻ. Cần lưu ý hiện tượng này khi đi sơ tán.
Nếu khu vực cạnh nơi bạn ở xảy ra hỏa hoạn và có khả năng lan tới gần nơi bạn sống, hãy nhanh chóng đi sơ tán trước khi quá muộn.
Khi bị mất điện, bạn có thể phải dùng nến để thắp sáng nhưng hãy nhớ phải tắt nến khi không dùng nữa. Trước khi đi sơ tán cũng cần nhớ ngắt cầu chì để đề phòng khi đột ngột có điện trở lại những đường dây điện bị hư hỏng có thể sẽ gây hỏa hoạn.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 12/4/2022).
Chú ý có thêm động đất xảy ra sau đó
Sau khi xảy ra một trận động đất lớn, trong nhiều trường hợp sẽ có thêm những trận động đất nhỏ hơn gọi là dư chấn.
Tuy nhiên, cần chú ý là đôi khi lại xảy ra động đất còn mạnh hơn trận đầu tiên. Vào tháng 4/2016, một trận động đất có độ lớn (M) 6,5, tương đương chấn độ 7 theo thang đo từ 0 đến 7 của Nhật Bản, đã làm rung chuyển tỉnh Kumamoto, Tây Nam Nhật Bản. Sau đó khoảng 28 tiếng, tại khu vực này lại xảy ra một trận động đất có độ lớn 7,3.
Do vậy, khi xảy ra động đất tại khu vực mình đang sống, các bạn cần lưu ý những điểm sau.
Một là, chú ý có thể xảy ra động đất mạnh tương đương trận động đất đầu tiên trong vòng khoảng 1 tuần.
Hai là, sau khi xảy ra động đất khoảng 2, 3 ngày, hãy chuẩn bị cho khả năng xảy ra động đất mạnh hơn trận đầu tiên.
Ba là, cẩn thận có thể có đá rơi và sạt lở đất.
Bốn là, trong trường hợp xảy ra rung lắc mạnh có chấn độ từ 6 trở lên, rất có khả năng nhà cửa sẽ bị đổ.
Người dân ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi động đất được khuyến cáo cảnh giác với dư chấn và những trận động đất mạnh hơn có thể xảy ra sau đó.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 13/4/2022).
Chuẩn bị đồ cần thiết phòng xảy ra thảm họa (phần 1)
Chuẩn bị những đồ dùng cần thiết phòng khi xảy ra thảm họa là việc làm cần thiết. Mặc dù biết điều này nhưng không ít người sẽ tự hỏi vậy sẽ phải chuẩn bị những gì và số lượng ra sao. Trong loạt bài nói về việc tích trữ đồ dùng cần thiết, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những mặt hàng nào cần tích trữ và làm sao để tích trữ có hiệu quả mà không tốn nhiều công sức.
Các chuyên gia thảm họa đã nói rằng, biện pháp “tích trữ luân phiên” của Nhật Bản là cách tích trữ hay nhất để phòng khi có thảm họa xảy ra.
Cách làm này là thường xuyên tích trữ một số loại đồ thực phẩm có thời hạn sử dụng dài, ví dụ như đồ uống và thực phẩm cũng như những đồ thường dụng khác. Khi những đồ vật này sắp hết hạn sử dụng thì chúng ta hãy dùng những thứ đó, mua đồ mới thay vào.
Những loại đồ tích trữ quan trọng là nước và thực phẩm.
Chúng ta cần tích trữ đồ dùng khẩn cấp cho ít nhất 3 ngày, tuy nhiên nếu được chúng ta nên tích trữ ít nhất phần 1 tuần.
Việc tích trữ nước và thực phẩm cũng như những đồ dùng cần thiết khác đủ cho một tuần là khá khó nhưng biện pháp “tích trữ luân phiên” có thể giúp chúng ta làm được điều này.
Đối với nước uống và nấu ăn, mỗi người cần ít nhất 3 lít một ngày và cần phải trữ ít nhất đủ dùng trong 3 ngày.
Ví dụ, nhà có 2 người lớn, thì nếu chuẩn bị mỗi người 3 lít nước thì ta nhân 3 với 2 và nhân 3 ngày và như vậy ta cần 18 lít nước.
Chúng ta cũng có thể tích trữ các loại đồ uống khác, ví dụ như trà, nước ngọt, cùng với nước uống.
Gần đây, tại Nhật Bản có bán các sản phẩm nước uống thường có hạn sử dụng từ 5 đến 10 năm. Chúng ta có thể mua tích trữ các sản phẩm này kết hợp với các loại nước đóng chai thông thường.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 29/4/2022).
Chuẩn bị đồ cần thiết phòng xảy ra thảm họa (phần 2)
Phần 2 giới thiệu các loại thực phẩm nên tích trữ. Chúng tôi sẽ gợi ý cách kết hợp với những thực phẩm chúng ta thường dùng hằng ngày để đảm bảo được đủ lượng cần thiết. Tuy nhiên, việc nấu nướng có thể gặp khó khăn khi xảy ra trường hợp khẩn cấp, các bạn nên chuẩn bị trước những loại đồ ăn đặc biệt có thể nấu mà không cần dùng đến lửa.
Những thực phẩm tiện dụng thường ngày nên chuẩn bị trước là các loại mỳ ăn liền hoặc mỳ khô, cơm ăn liền hay thức ăn nấu sẵn như cà-ri. Ngoài ra còn có đồ đóng hộp, sinh tố rau và các loại hoa quả để được lâu.
Một số thực phẩm khẩn cấp có thể tích trữ sẵn như gạo alpha-mai, loại gạo chỉ cần đổ nước vào là có thể ăn được luôn, hoặc các loại đồ ăn có dụng cụ hâm nóng đi kèm không cần dùng đến bếp, và các loại đồ ăn vặt như bánh mỳ, bánh quy.
Khi gặp tình huống khẩn cấp, mọi người thường có xu hướng dùng đồ ăn có hàm lượng carbohydrate cao. Vì vậy, việc chuẩn bị thực phẩm đóng hộp và sinh tố rau là rất cần thiết để các bạn có đủ dưỡng chất từ thịt cá và rau xanh.
Cũng cần lưu ý là trong tình huống khẩn cấp, sẽ rất khó để mua được sữa, thức ăn trẻ em và đồ ăn cho người bị dị ứng. Do vậy việc tích trữ đủ lượng thức ăn cho trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính và bị dị ứng là rất quan trọng.
Các chuyên gia khuyên rằng nên tích trữ đủ thức ăn trong 2 tuần vì thường sau một thảm họa lớn, nguồn cung hàng hóa sẽ bị gián đoạn.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 2/5/2022).
Chuẩn bị đồ cần thiết phòng xảy ra thảm họa (phần 3)
Khi xảy ra thảm họa, nguồn nước có thể bị gián đoạn trong một thời gian. Trong trường hợp đó, chúng ta thậm chí còn không thể xả nước bồn cầu. Vì thế, chúng ta cần tích trữ nước, không chỉ để uống và để nấu ăn mà còn để sử dụng cho sinh hoạt. Một cách là tích trữ nước trong bồn tắm chứ không xả ngay sau khi sử dụng. Tuy nhiên, các gia đình có con nhỏ cần cẩn thận vì trẻ nhỏ có thể ngã vào bồn tắm và bị đuối nước.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên tích trữ các đồ dùng có thể sử dụng mà không cần nước, ví dụ như toilet khẩn cấp, xà phòng gội đầu không cần nước, giấy lau ướt và màng bọc thực phẩm bằng ni-lông, có thể dùng để bọc bát đĩa khi ăn rồi vứt đi sau khi dùng để không cần rửa bát đĩa.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 3/5/2022).
Chuẩn bị đồ cần thiết phòng xảy ra thảm họa (phần 4)
Trong phần 4, chúng tôi tập trung vào các biện pháp phòng khi mất điện. Không có điện có nghĩa là không có ánh sáng. Ngoài ra, nếu không có điện, ta sẽ không thể bật tivi hay sử dụng điện thoại thông minh nên rất khó để nắm bắt thông tin.
Nên chuẩn bị sẵn một số thiết bị chiếu sáng như đèn pin loại nhỏ, đèn pin đội đầu, đèn có dây đeo trên cổ và đèn pin loại lớn (để chiếu sáng trong nhà). Đèn pin sử dụng bóng đèn LED tiện lợi hơn khi phải sơ tán trong thời gian dài vì dùng được lâu hơn bóng đèn sợi đốt.
Để cập nhật tin tức, nên chuẩn bị máy thu thanh cầm tay và bộ sạc điện thoại thông minh chạy bằng pin khô hoặc năng lượng mặt trời. Trong thảm họa lớn, khôi phục gas là mất nhiều thời gian nhất trong các dịch vụ tiện ích cơ bản. Vì vậy, điều quan trọng là phải chuẩn bị sẵn bếp ga du lịch và các dụng cụ nấu nướng để có thể nấu đồ ăn nóng. Khi sử dụng bếp gas du lịch để nấu ăn, mỗi người cần khoảng 6 bình gas cho một tuần.
(Thông tin được cập nhật đến ngày 4/5/2022).
Chuẩn bị đồ cần thiết phòng xảy ra thảm họa (phần 5)
Trong phần 5, chúng tôi tập trung vào những vật dụng thường ngày hữu ích khi phải sống nhiều ngày ở các cơ sở sơ tán.
Các bạn nên chuẩn bị thêm cho túi đồ khẩn cấp của mình, nhất là những đồ dùng khó chia sẻ với người khác. Các bạn có thể tham khảo danh sách sau đây.
– Bàn chải đánh răng, nước súc miệng
– Kính mắt, kính áp tròng, dung dịch rửa kính áp tròng
– Toilet di động, giấy vệ sinh, băng vệ sinh phụ nữ
– Quần tất (rất hữu ích để ngăn ngừa hội chứng huyết khối tĩnh mạch)
– Đồ che mắt, nút lỗ tai
– Túi đựng rác (cũng có thể được dùng làm áo mưa tạm thời và để đi vệ sinh)
– Dép dùng một lần
– Quạt giấy, khăn lạnh (dùng cho mùa hè)
– Miếng giữ nhiệt, găng tay (dùng cho mùa đông)
Việc chuẩn bị nhiều thứ cùng một lúc là rất khó, nhưng thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy điều quan trọng là phải có thói quen dự trữ thêm đồ dùng cần thiết.